Trang

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Thị thơm của bà

Chiều qua, tan sở đi ngang con đường Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thái Học, một mùi thơm dìu dịu, ngòn ngọt của quả thị bay xộc vào mũi tôi. Ký ức tuổi thơ chợt ùa về. Đó là tuổi thơ êm đềm của chị em chúng tôi với mùi thị thơm của bà mỗi khi thu vừa chớm sang.

Ngày ấy, mấy đứa con nít chân đất, mắt toét chúng tôi nghịch lắm. Mới sáng ra đã hò nhau ra đồng bắt cua, bắt ốc; chán chê lại rủ nhau đuổi nhau, bắt cào cào hay thả diều trên những triền đê. Dù nghịch vậy, nhưng không đứa nào dám nghịch cây thị của bà trồng sát bờ ao trước nhà. Trái lại, lũ con nít chúng tôi còn chăm chỉ vun xới, tưới nước cho cây. Đến mùa thị, trên cành, những trái non bắt đầu nhú ra, lũ con nít chúng tôi thích lắm, ngày nào cũng ngó xem thị đã chín chưa.
Nhìn lũ con nít chúng tôi mong ngóng từng ngày, bà ngoại cười món mém và gọi chúng tôi lại. Bà bảo: Muốn thị mau chín các cháu phải ngoan ngoãn, vâng lời ông bà, cha mẹ. Nói rồi bà kể cho chúng tôi nghe câu chuyện Tấm Cám, trong đó có đoạn cô Tấm chết biến thành quả thị. Một bà cụ đi ngang qua thấy thị chín bèn nói: “Thị ơi, thị rụng bị bà. Bà để ngửi chứ bà không ăn”. Bà lão đem thị về nhà và từ trong quả thị ấy, cô Tấm bước ra giúp đỡ bà cụ nghèo… Rồi những quả thị xanh non đã được thay bằng những quả thị màu vàng ươm và bắt đầu dậy mùi hương. Thị chín, mùi hương thoang thoảng theo gió bay khắp xóm. Đi từ xa ai cũng phải dừng lại để hít hà cái mùi thơm dìu dịu của thị để được sống lại thời tuổi thơ của mình.
Thị chín cũng là lúc lũ con nít chúng tôi tạm rời xa những trò chơi yêu thích của mình trên cánh đồng mênh mông để quẩn quanh bên bà ngoại. Biết được sự mong mỏi của chúng tôi, từ sáng sớm bà đã trảy một rổ thị chín để trên gác bếp để dành cho lũ con nít chúng tôi. Hồi đó, lúc còn bé tí, cứ đến dịp mùa thu, hầu như đứa trẻ nào trong xóm cũng có ít nhất là một quả thị. Chị em chúng tôi cũng vậy, mỗi đứa được bà cho một quả và chúng tôi xem chúng như là kho báu. Đứa nào cũng có riêng một cái túi vải be bé để cất thị vào. Cũng lạ, hồi đó bé tí thôi, nhưng đứa nào cũng dành thị để ngửi, để chơi chứ không vội ăn. Chỉ đến một hôm nào đó, những quả thị chín nục, đã trở màu thì mới dám đem ra ăn. Trước khi ăn, đứa nào cũng nhẹ nhàng măn măn, bóp bóp cho quả thị mềm hơn, sau đó mới chia quả thị ra làm đôi rồi cho vào miệng. Thị ăn vừa ngọt vừa thơm. Đặc biệt, quả thị nào cũng có những hột bên trong, những cái hột đó lại dính rất nhiều "thịt" thị nên hầu như mỗi lần chia thị, đứa nào cũng dành phần hột, để sau đó lại cắn những cái hột cứng queo. Cũng thú vị ra trò dù hột thị chẳng béo bở gì.
Kỷ niệm ấu thơ của chị em chúng tôi không chỉ là hương thơm của thị chín mà còn gắn với bao câu chuyện cổ tích của bà vào những buổi trưa hè. Giờ đây dù đã rời quê đi làm ăn xa và những mùa thị như vậy đã xa lăng lắc, nhưng đó vẫn mãi là ký ức không thể quên trong tôi.
Và giờ đây, mỗi sáng đi làm, chợt thấy rổ thị vàng ươm bên đường, tôi chợt nhận ra hương thị, kỷ niệm về thị thật gầnvà thân quen lắm! Tôi bất giác chợt nhớ tới những câu thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương:
Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên
Thấy chú bé đi hài bảy dặm
Quả thị thơm cô tấm rất hiền.
Thị đầu mùa
  • Phúc còi và Bí Đỏ
    nghe như được hít hà mùi thơm dịu ngọt của quả thị qua bài viết của mẹ Kem!
    • Ku Kem
      hihihihihi.
  • Dế mèn nhỏ
    Trong đó đã có thị rồi ư mẹ Kem ơi! Ngoài bắc chưa thấy, khi nào có thị thì mít lại hết ngọt rồi. Đọc entry này lại nhớ hồi bé lúc nào có thị cũng nâng niu hết.
    • Ku Kem
      Có thị rồi mẹ Dế à. Hôm nào đi làm về mẹ Kem cũng chạy xe thật chậm để đc hít hà mùi thị thơm đấy
  • Song Thư
    Chị còn ngồi tết từng giỏ đựng thị nữa cơ, có thể tết bằng len, bằng dây dù, cũng có khi bằng sợi đay hay chỉ là bằng dây chuối. Những kỷ niệm tuổi thơ của chị em mình, trẻ con bây giờ sẽ chẳng bao giờ có được em nhỉ!
    • Ku Kem
      vâng, nhớ lắm chị à. Ở VTàu bây giờ cũng bán thị nên cũng có cơ hội thưởng thức mùi thơm quyến rũ của thị chị à.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét